I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Tiêu chuẩn này quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay trong hoạt động tín dụng và không bắt buộc áp dụng cho hoạt động xử lý nợ trong nội bộ tổ chức tín dụng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1.Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật giá.
2. Khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Nợ tín dụng (sau đây gọi là nợ) trong Tiêu chuẩn này được hiểu là nghĩa vụ phải trả bằng tiền hoặc tài sản của cá nhân hoặc tổ chức (gọi là khách nợ) đối với chủ nợ là tổ chức tín dụng. Nợ có thể có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm.
Nợ có tài sản bảo đảm là các khoản nợ có tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ kèm theo.
Nợ không có tài sản bảo đảm là các khoản nợ không có tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ kèm theo.
2. Khoản nợ tín dụng trong Tiêu chuẩn này được hiểu là dư nợ của hợp đồng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, bao gồm số tiền nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Lựa chọn cơ sở giá trị
Cơ sở giá trị của thẩm định giá khoản nợ là giá trị thị trường hoặc các loại cơ sở giá trị khác theo quy định tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Điều 5. Các tài liệu, hồ sơ cần thu thập
Khách hàng chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các tài liệu, hồ sơ cần thu thập trong thẩm định giá khoản nợ bao gồm:
1. Hồ sơ pháp lý của khách nợ.
2. Hồ sơ vay vốn gồm Hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, phụ lục hợp đồng tín dụng (nếu có).
3. Xác nhận của khách hàng về số tiền nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ mà khách nợ chưa trả theo hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, phụ lục hợp đồng tín dụng (nếu có) tại thời điểm thẩm định giá.
4. Hồ sơ tài chính và sản xuất kinh doanh (nếu có) của khách nợ.
5. Hồ sơ bảo đảm tiền vay gồm hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, cam kết bảo lãnh, các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình nhận bảo đảm (nếu có).
6. Hồ sơ khác có liên quan (nếu có) gồm báo cáo đánh giá của bên chủ nợ liên quan đến việc xử lý khoản nợ (hồ sơ pháp lý, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ, thời gian và khả năng thu hồi nợ); báo cáo về giá trị ghi sổ khoản nợ, năng lực hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính của bên khách nợ; báo cáo đánh giá rủi ro có thể phát sinh trong việc bán nợ, phương thức thanh toán, chuyển giao khoản nợ.
7. Các tài liệu liên quan khác.
Điều 6. Căn cứ thẩm định giá
Căn cứ vào kịch bản bán/thanh lý khoản nợ, giá trị khoản nợ được xác định dựa trên một hoặc nhiều căn cứ sau:
1. Số dư nợ tại thời điểm thẩm định giá theo lãi suất đang áp dụng trên hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, phụ lục hợp đồng tín dụng (nếu có) của khách hàng.
2. Giá trị tài sản bảo đảm (nếu có)
3. Giá trị các khoản có thể thu hồi được từ khách nợ (nếu có)
4. Lãi dự kiến phát sinh đến khi thanh toán hết giá trị khoản nợ được mua theo lãi suất dự kiến sẽ áp dụng được quy định trên hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, phụ lục hợp đồng tín dụng (nếu có) hoặc lãi suất khác có thể áp dụng cho khách nợ.
5. Chi phí phát sinh trong quá trình quản lý khoản nợ, chi phí khác liên quan.
6. Chi phí xử lý tài sản bảo đảm (nếu có), chi phí xử lý các nguồn có thể thu hồi khác (nếu có).
Điều 7. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá
1. Các phương pháp áp dụng trong hoạt động thẩm định giá khoản nợ thuộc: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.
2. Các phương pháp thẩm định giá khoản nợ được lựa chọn trên cơ sở giá trị của thẩm định giá khoản nợ và nhận định về khả năng thu hồi của khoản nợ tại và sau thời điểm thẩm định giá thông qua tài liệu, hồ sơ vay vốn, các cam kết, điều khoản giữa khách nợ và chủ nợ, sự đánh giá về khả năng thu hồi nợ của chủ nợ và các yếu tố khác có liên quan.
3. Đối với khách nợ là doanh nghiệp, giá trị khoản nợ được xác định dựa trên giá trị doanh nghiệp và có sự đánh giá thứ tự ưu tiên trả nợ theo các cam kết, điều khoản trả nợ giữa chủ nợ và doanh nghiệp căn cứ các quy định pháp luật về dân sự, Luật phá sản và các quy định khác có liên quan.
Điều 8. Giá trị, giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm
1. Thời điểm dự kiến xử lý tài sản bảo đảm xác định dựa trên xác nhận của khách hàng và các tài liệu, hồ sơ cần thu thập trong thẩm định giá khoản nợ quy định tại Điều 5 Tiêu chuẩn này.
2. Giá trị, giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm trong Tiêu chuẩn này được hiểu là phần giá trị, giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm dùng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho khoản nợ đang thực hiện thẩm định giá.
3. Giá trị tài sản bảo đảm được ước tính tại thời điểm xử lý tài sản bảo đảm bằng cách áp dụng phương pháp thẩm định giá phù hợp thuộc các cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
4. Giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm được ước tính bằng giá trị tài sản bảo đảm sau khi trừ chi phí phát sinh theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Tiêu chuẩn này (chi phí phát sinh tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm) và quy đổi về thời điểm thẩm định giá thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp.
Điều 9. Khả năng trả nợ của khách nợ
Khả năng trả nợ của khách nợ được xác định dựa trên xác nhận của khách hàng về khả năng trả nợ của khách nợ, đánh giá của các bên có liên quan và các căn cứ tài liệu, hồ sơ cần thu thập trong thẩm định giá khoản nợ quy định tại Điều 5 Tiêu chuẩn này.
Điều 10. Trường hợp khách nợ có khả năng trả nợ
1. Giá trị khoản nợ được ước tính từ các nguồn thu từ khách nợ theo phương án trả nợ sau khi trừ chi phí phát sinh theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Tiêu chuẩn này và quy đổi về thời điểm thẩm định giá thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp.
2. Nguồn thu từ khách nợ bao gồm số tiền nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ căn cứ hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng, khế ước nhận nợ, phụ lục hợp đồng tín dụng (nếu có) của khách hàng đến thời điểm bên mua nợ thanh toán cho bên bán nợ giá trị khoản nợ.
Điều 11. Trường hợp khách nợ không có khả năng trả nợ và giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị khoản nợ theo sổ sách
1. Giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm được ước tính theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Tiêu chuẩn này.
2. Giá trị khoản nợ theo sổ sách bao gồm số tiền nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ tại thời điểm thẩm định giá được xác định dựa trên dựa trên xác nhận của khách hàng và các tài liệu, hồ sơ cần thu thập trong thẩm định giá khoản nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.
3. Giá trị khoản nợ được ước tính là số tiền nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan sau khi trừ chi phí phát sinh theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 6 Tiêu chuẩn này đến thời điểm bên mua nợ thanh toán cho bên bán nợ giá trị khoản nợ và quy đổi về thời điểm thẩm định giá thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp.
Điều 12. Trường hợp khách nợ không có khả năng trả nợ và giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị khoản nợ theo sổ sách
1. Giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm được ước tính theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Tiêu chuẩn này.
2. Giá trị khoản nợ theo sổ sách thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
3. Giá trị khoản nợ được ước tính bằng giá trị thu hồi của tài sản bảo đảm, giá trị thu hồi từ các nguồn có thể thu hồi khác.
4. Giá trị thu hồi từ các nguồn có thể thu hồi khác được ước tính bằng giá trị của các nguồn có thể thu hồi khác sau khi trừ chi phí phát sinh theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư này đến thời điểm xử lý các nguồn có thể thu hồi khác và quy đổi về thời điểm thẩm định giá thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp.
5. Việc xác định các nguồn thu hồi khác từ khách nợ dựa trên xác nhận của khách hàng, đánh giá của các bên có liên quan và các căn cứ tài liệu, hồ sơ cần thu thập trong thẩm định giá khoản nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Điều 13. Trường hợp khách nợ không có khả năng trả nợ và không có tài sản đảm bảo
Giá trị khoản nợ được ước tính bằng giá trị thu hồi từ các nguồn có thể thu hồi khác theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Tiêu chuẩn này.
Điều 14. Tỷ suất chiết khấu
1. Tỷ suất chiết khấu phải phản ánh được rủi ro của các dòng tiền thu hồi được và phù hợp với thời gian thu hồi dòng tiền và lợi nhuận kỳ vọng hợp lý cho việc mua các khoản nợ.
2. Việc xác định tỷ suất chiết khấu phải nhất quán với cách ước tính dòng tiền phát sinh từ khoản nợ.
3. Rủi ro của các dòng tiền thu hồi được đánh giá dựa trên các căn cứ sau: Các điều khoản và điều kiện đi kèm khoản nợ; Rủi ro tín dụng; Tính thanh khoản và thị trường của khoản nợ tại thời điểm thẩm định giá và sau thời điểm thẩm định giá; Rủi ro thay đổi môi trường pháp lý hoặc các quy định có liên quan; nghĩa vụ tài chính liên quan đến khoản nợ; Các khoản nợ tương tự trên thị trường; Các căn cứ khác (nếu có)./.
4. Rủi ro tín dụng trong Tiêu chuẩn này là rủi ro do khách nợ không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với chủ nợ./.
Bộ Tài Chính
Công Ty CP Đầu Tư & Thẩm Định Quốc Tế Đông Dương - Chi Nhánh Sài Gòn
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu