Nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ mua phải những mảnh đất nằm trong quy hoạch. Vì vậy đừng bỏ qua bài viết này nhé. SunValue sẽ hướng dẫn bạn cách xem sơ đồ thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không hề đơn giản như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Sơ đồ thửa đất là gì?
Sơ đồ thửa đất là hình ảnh minh họa đất theo tỷ lệ nhỏ được in trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp người sử dụng đất dễ dàng hình dung. Sơ đồ thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận không theo tỷ lệ cố định. Tùy vào kích thước thửa đất trên bản đồ hoặc bản trích đo địa chính mà có thể thu phóng theo tỷ lệ đồng dạng để thể hiện cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo kích thước tối thiểu của sơ đồ thể hiện trên Giấy chứng nhận là 5cm2.
Tại sao cần phải biết xem sơ đồ thửa đất?
Mỗi Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đều có sơ đồ thửa đất đi kèm. Biết cách xem sơ đồ thửa đất sẽ giúp chủ sở hữu quyền sử dụng đất nắm rõ các thông tin về thửa đất, kiểm chứng thông tin mà không cần sự trợ giúp hay giải thích từ ai, từ đó tránh gây hiểu lầm hay thông tin sai lệch về thửa đất đó. Cụ thể:
Như vậy, có thể thấy rằng, khi biết cách đọc sơ đồ thửa đất thì người sử dụng đất sẽ tránh được thiệt thòi trong quá trình sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi xảy ra tranh chấp; tránh việc sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của pháp luật. Thông qua sơ đồ thửa đất, người mua đất tránh mua phải những thửa đất nằm trong diện quy hoạch và lựa chọn được những vị trí thuận lợi, phù hợp với nhu cầu.
Cách xem sơ đồ thửa đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Muốn biết cách đọc sơ đồ thửa đất, trước tiên, cần biết sơ đồ thửa đất thể hiện những nội dung gì. Theo điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sơ đồ thửa đất thể hiện những thông tin như sau:
– Hình thể thửa đất, chiều dài các cạnh thửa đất.
– Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh như cầu đường, đường xá, chỉ dẫn hướng Bắc – Nam;
– Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất cấp Giấy chứng nhận được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới;
– Trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa khác có nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
Trường hợp đất có nhà chung cư mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ căn hộ là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó;
Lưu ý, một số trường hợp không thể hiện trên sơ đồ thửa đất:
Cách đọc sơ đồ thửa đất
Cạnh thửa đất thể hiện bằng đường nét liền khép kín, kích thước cạnh thửa đất thể hiện trên sơ đồ theo đơn vị mét (m), được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Với thửa đất có nhiều cạnh mà không đủ chỗ thể hiện chiều dài các cạnh thửa trên sơ đồ thì đánh số hiệu các đỉnh thửa bằng các chữ số tự nhiên theo chiều kim đồng hồ và lập biểu thể hiện chiều dài các cạnh thửa bên cạnh sơ đồ.
Trường hợp thửa đất có ranh giới là đường cong thì thể hiện tổng chiều dài đường cong đó và không thể hiện tọa độ đỉnh thửa.
Chỉ giới quy hoạch sử dụng đất được thể hiện bằng đường nét chấm liên tục và mũi tên chỉ hướng phạm vi quy hoạch, chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình được thể hiện bằng đường nét 3 chấm xen kẽ nét đứt và mũi tên chỉ hướng phạm vi hành lang an toàn.
Mốc giới quy hoạch, mốc giới hành lang an toàn được thể hiện bằng dấu chấm đậm.
Tên của đường chỉ giới quy hoạch, chỉ giới hành lang an toàn được ghi chú tại vị trí thích hợp trên sơ đồ.
Sơ đồ nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng trên thực địa. Nếu ranh giới nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trùng với ranh giới thửa đất thì thể hiện theo ranh giới thửa đất. Ở đây, sơ đồ nhà ở (trừ căn hộ chung cư), công trình xây dựng là phạm vi chiếm đất tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà ở, công trình xây dựng.
Với căn hộ chung cư thì thể hiện sơ đồ mặt bằng của tầng nhà chung cư có căn hộ, trong đó thể hiện vị trí, hình dáng mặt bằng theo tường bao ngoài của căn hộ mà không cần thể hiện từng phòng trong căn hộ, ký hiệu (mũi tên) cửa ra vào căn hộ và kích thước các cạnh của căn hộ.
Với nhà ở và các loại nhà khác, sơ đồ nhà ở thể hiện vị trí, kích thước, hình dáng mặt bằng xây dựng của tầng 1 tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà mà không cần thể hiện sơ đồ chi tiết bên trong nhà.
Nguồn: Tổng hợp
Công Ty CP Đầu Tư & Thẩm Định Quốc Tế Đông Dương - Chi Nhánh Sài Gòn
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu